Dọn dẹp tủ quần áo cuối năm, vô tình phát hiện ra anh xã giấu... một cuốn sổ tiết kiệm trong túi áo vest, chị Thanh Lê (Quận 7) đùng đùng giận dữ: “Hóa ra, bấy lâu nay anh ấy vẫn giấu tôi có những khoản riêng. Đàn ông có khoản riêng chỉ tổ đi lăng nhăng, làm chuyện khuất tất với vợ con thôi!”. Thế nhưng, khi chia sẻ điều này với chuyên viên tư vấn, chị lại bất ngờ khi nghe chuyên viên tư vấn mỉm cười: “Có khoản riêng thật ra vẫn có những cái hay, và khoản riêng ở mức vừa phải thật ra không có gì là quá đáng!”.
Sao phải có "quỹ đen"?
Việc trả lương qua tài khoản, sử dụng thẻ ngân hàng càng "hỗ trợ" cho các anh thực hiện việc này dễ dàng hơn. “Thẻ cất trong túi, password giấu kín. Thế là xong! Thời buổi này khác xưa rồi. Đâu phải cứ chồng đi làm là cần mang hết về đưa cho vợ giữ. Đóng góp là đóng góp khoản chính, lo đầy đủ các khoản cho nhà cửa, con cái. Còn lại, chuyện có khoản chi tiêu riêng theo tôi là bình thường. Như vậy sẽ tránh được những chuyện ức chế căng thẳng với nhau!”, anh Trần Thanh Dũng (Quận 3) chia sẻ.
Thực tế, theo các chuyên viên tại trung tâm Tư vấn Tình yêu hôn nhân gia đình, tài chính luôn là một trong những xung đột hàng đầu, có khả năng dẫn đến ly hôn cao nhất. Chuyện này không chỉ xảy ra ở các gia đình khó khăn, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn mà cả ở những gia đình thuộc dạng khá giả, đầy đủ, khi không có sự rõ ràng.
Chuyên viên tư vấn Lê Thị Thanh Giang phân tích: “Nếu không có sự thỏa thuận từ đầu, cứ theo hướng một người công khai minh bạch hết còn một người lại giấu giếm riêng tài chính thì chắc chắn sớm muộn cũng có chuyện. Cảm giác ức chế không phải vì khoản tiền hay vì cách sử dụng khoản tiền ấy như thế nào, mà chủ yếu là vì cảm giác mình không được tin tưởng, rằng tại sao phải giấu diếm nhau những chuyện như thế”.
"Khoản riêng": Sao cho vừa đủ?
Thông thường, với các hình mẫu gia đình cả vợ chồng đều đi làm như hiện nay, trước khi cưới, mỗi bên đều có tài khoản riêng, đều có những khoản tiết kiệm của riêng mình. Khi kết hôn, cuộc sống hôn nhân kết nối lại hai con người. Tuy nhiên, nếu nghĩ rằng như thế thì hoàn toàn có nghĩa là mọi thứ trở thành chung thì đúng là... hoang tưởng. Chỉ một thời gian ngắn, chắc chắn mỗi người sẽ đều cảm thấy quá tù túng nếu như nhất nhất chuyện gì cũng phải "công khai minh bạch", phải "hỏi ý kiến bạn đời", đồng thuận mới được chi.
Nhiều phụ nữ vẫn giữ thói quen muốn mình "tay hòm chìa khóa", giữ hết tiền như một nét "truyền thống". Thậm chí, có chị còn cảm thấy bứt rứt không yên khi... chưa kiểm soát được toàn bộ tiền bạc của chồng, cảm thấy vậy thì mình chưa phải là "vợ" của anh ta. Song, theo chuyên gia tư vấn Thanh Giang, chỉ trừ khi khoản tiền riêng này quá nhiều, quá lớn, đến mức hai vợ chồng như hai "chủ thể độc lập", còn lại, khoản riêng hiếm khi là nguyên nhân chính "làm hư" các anh chồng.
Nếu như người vợ tin rằng các anh giữ tài khoản riêng, cũng tiêu xài kỹ như... mình, luôn đặt gia đình ở vị trí ưu tiên số 1, thì gia đình sẽ bình yên. Còn nếu cứ nghi ngờ, căn vặn lẫn nhau, thì việc này sẽ chỉ dẫn đến cảm giác tổn thương, bất an, là nguyên nhân cho những đổ vỡ. “Thật ra, quan trọng nhất giữa hai vợ chồng là sự trao đổi thông tin thường xuyên, kể cả với chuyện tiền bạc. Tiền ai nấy giữ hay có khoản riêng vẫn không sao, nếu như cả hai vợ chồng đều hiểu người kia kiếm tiền thế nào, sử dụng tiền bạc thế nào. Một người chồng không rượu chè, cờ bạc, không lăng nhăng bên ngoài, thì cho dù có khoản riêng, chắc chắn vợ vẫn hiểu rằng đó là điều bình thường chứ chẳng có gì nghiêm trọng cả!”, chuyên viên tư vấn Thanh Giang cho biết
No comments:
Post a Comment